Mùa trước, Man City “chỉ” đứng thứ 3 ở Premier League. Vì sao Man City không vô địch? Giới thống kê rà soát tỉ mỉ đến từng đường bóng, nghiền ngẫm từng phương pháp nghiên cứu và được hỗ trợ bởi những phầm mềm tuyệt hảo, để bảo đảm không bao giờ sai về mặt số liệu. Và họ đúc kết, đội bóng của Pep đã có thể vô địch với 2 điều kiện: sở hữu một thủ môn ở đẳng cấp trung bình và những chân sút có hiệu suất ghi bàn ở mức trung bình!
Trên lý thuyết, thủ môn trung bình là thủ môn phải cản được các pha dứt điểm có xác suất thành bàn ở mức độ dưới trung bình. Thế nào là pha dứt điểm có xác suất thành bàn trung bình thì, như đã nêu, chúng ta hãy đơn giản hóa mọi chuyện bằng cách tin vào phương pháp nghiên cứu và mức độ chính xác coi như đã được bảo đảm của giới thống kê.
Thủ môn của Man City mùa trước (Bravo và Caballero) chỉ đứng thứ 19/20 trong BXH thủ môn ở Premier League. Họ lọt lưới 6 bàn từ những pha dứt điểm được xếp vào nhóm “dưới trung bình” về xác suất thành bàn. Cũng với cách tính tương tự, các chân sút Man City chỉ đứng thứ 13/20. Họ không thể ghi bàn từ những pha dứt điểm thuộc nhóm “trên trung bình” về xác suất thành bàn. Chỉ cần đứng thứ 10/20 trong hai cuộc so sánh vừa nêu, số bàn thắng và số bàn thua của Man City đều sẽ khác và Man xanh sẽ chiếm vị trí số 1.
Man City trông như một bông hoa giả ở đẳng cấp cao nhất có thể. Pep tạo ra sản phẩm ấy. Và, cũng giống mọi bông hoa giả tuyệt hảo trên đời, Man City cứ phải có tì vết, có khiếm khuyết, để nó trông… như thật. Mùa trước, nhân danh triết lý của mình (thủ môn phải biết chơi bóng, phối hợp nhuần nhuyễn với đồng đội), Pep thay Hart bằng Bravo. Kết quả là trong khi Pep xem trọng khả năng “chơi bóng” của thủ môn, thì Bravo lại thể hiện khả năng “bắt bóng” như đã nêu.
Đừng hỏi các nghệ nhân làm hoa giả, sao họ cứ phải cố ý làm cho tác phẩm phải có một tí… sứt cành, gãy gọng! Pep cũng vậy. Cứ phải có tí khác người, tí khó hiểu trong cách bố trí đội hình, cách chơi, thì đấy mới là Man City của Pep.
Khổ nỗi, Man City không phải là Bayern hoặc Barca. Một Man City tối ưu còn chưa chắc thành công, huống hồ cứ phải cố ý “hơi sai” cho ra vẻ!