Triết lý của Mourinho
Giữ bóng nhiều tức phải thường xuyên thi đấu bằng chân, liên tục chuyền ngắn. Đây là đặc điểm của Pep Guardiola, và điều này giải thích vì sao trong quan điểm của Pep thì ngay cả thủ môn cũng phải giỏi chơi bóng bằng chân. Barcelona lừng lẫy danh tiếng với lối chơi tiqui-taca đã đi vào huyền thoại luôn có nhược điểm lớn nhất là khả năng chơi bóng bổng. Có thể chỉ là sự trùng hợp tình cờ khi các nhân tố quan trọng nhất trong hệ thống tiqui-taca của Barcelona như Messi, Xavi, Iniesta đều… lùn. Điều mấu chốt là: cao hay lùn, họ vẫn không chủ trương chơi bóng bổng.
Nói vậy để hình dung điều ngược lại trong quan điểm bóng đá của Mourinho? Chỉ một phần. Với Mourinho, nguyên tắc “phải thắng ở khu giữa sân” quan trọng hơn. Về chiến thuật, ông luôn tìm cách xếp người sao cho thường xuyên có được tình thế “3 đánh 2” ở khu giữa sân. Tất nhiên còn tùy vào chiến thuật của đối phương.
Mặt khác, ông luôn chú trọng cầu thủ cao to ở khu giữa sân. Với Mourinho, cao to thì dễ thắng hơn trong những pha tranh chấp 5-5, trong các đường bóng ngẫu nhiên và dĩ nhiên là trong các pha bóng bổng nữa. Với suy nghĩ này, sự thành – bại của Mourinho dù sao cũng ít phụ thuộc vào phong độ hoặc tài nghệ của cầu thủ – nghĩa là ông chủ động hơn.
Xin nhắc lại, đấy chỉ là quan điểm của Mourinho, không nhất thiết phải là “kim chỉ nam” cho việc chọn người trong bóng đá. Trong quan điểm của Mourinho, bóng đá không có nhiều chỗ cho sáng tạo hoặc tính trình diễn.
Từ lý thuyết đến thực tế
Henrikh Mkhitaryan chỉ cao 1m78, và đấy là cầu thủ “lùn” duy nhất mà Mourinho mua về từ khi ông giữ ghế HLV trưởng M.U. Trớ trêu ở chỗ, ai cũng thấy rõ là Mourinho không hề trọng dụng Mkhitaryan trong mùa vừa qua. Thật ra, đây có thể chỉ là sự tình cờ – hơn là Mourinho “ghét cầu thủ lùn”.
Về chuyên môn thì khác biệt chủ yếu của Mkhitaryan là anh thường đá cánh, hoặc có vào giữ thì cũng tấn công là chính, chơi kiểu “số 10” chứ ít khi tham gia phòng ngự. Các cầu thủ khác mà Mourinho mang về cho M.U đều chơi ở trục giữa: Zlatan Ibrahimovic và Romelu Lukaku là trung phong, Eric Bailly và Victor Lindelof là trung vệ, Nemanja Matic và Paul Pogba là tiền vệ trung tâm. Đây đều là các vị trí mà chiều cao là một yếu tố quan trọng.
Thường có lập luận cho rằng kỹ thuật và sự sáng tạo mới là điều quan trọng nhất để người ta xuyên thủng hàng thủ đối phương. Trong trường hợp cụ thể của M.U mùa trước, nguyên nhân lớn nhất khiến họ cố mãi vẫn chẳng lọt được vào Top 4 là hòa quá nhiều, nhất là hòa trong các trận lẽ ra phải thắng. Sao Mourinho không tìm mua các tiền vệ sáng tạo mà chỉ chăm bẵm săn tìm những người khổng lồ?
Thật ra, bóng đá không chỉ bao gồm những tình huống tấn công chủ động (thậm chí, bóng đá không chỉ gồm mỗi nhiệm vụ tấn công). Trên nguyên tắc, mọi pha bóng hay đều có thể xuất phát từ tình huống ngẫu nhiên. Làm sao để thắng các đường bóng bất kỳ, để không thua thiệt trong các tình huống thụ động, đấy mới là điều quan trọng mà nhà cầm quân phải dự trù trước.
Lý thuyết “ưu tiên chọn cầu thủ cao to” của Mourinho nằm ở chỗ này. Và tất nhiên, không phải bao giờ lý thuyết cũng đi đôi với thực tế. Việc M.U bắn phá khung thành Burnley hơn 30 lần mà vẫn không thể đưa bóng vào lưới thì ngẫm kỹ, trên hết vẫn cứ là chuyện… xui xẻo. Có mà trời tính!
CON SỐ
1 Thủ thành Costel Pantilimon của Watford đang là cầu thủ cao nhất Premier League hiện tại. Anh cao 2m03. Aaron Lennon (Everton) là cầu thủ lùn nhất, chỉ 1m65.
17 Tại Premier League mùa trước, Arsenal là CLB có nhiều bàn thắng bằng đầu nhất giải (17 bàn thắng).
Cao thắng, lùn thua Nhà vô địch World Cup gần nhất – ĐT Đức tại World Cup 2014 – chính là đội… cao nhất giải. Chiều cao trung bình của các cầu thủ Đức tại World Cup 2014 là 1m85, cao hơn bất cứ nhà vô địch nào trong kỷ nguyên Champions League. Tại EURO 2016, ĐKVĐ Tây Ban Nha bị loại ở vòng 2. Tây Ban Nha chính là đội… lùn nhất ở giải ấy (bình quân 1m80). 7 GÃ KHỔNG LỒ MOURINHO ĐƯA VỀ M.U |