Lindelof đã được M.U theo đuổi từ lâu, và tất nhiên là các CĐV đã đọc được rất nhiều điều về anh trong thời gian đó. Phần lớn những gì mà họ đọc được đều rất hứa hẹn. Rằng Lindelof là mẫu hậu vệ có phong cách chơi lạnh lùng và hiệu quả, nên mới có biệt danh “Người băng”. Rằng dù thường xuyên có những pha vào bóng quyết liệt, nhưng nhờ khả năng chọn thời điểm hợp lý, Lindelof rất ít khi phạm lỗi. Ngoài ra, anh còn rất mạnh trong những pha cầm bóng đột phá vượt tuyến…
Nhưng cũng như khi mua hàng… trên mạng, những gì người ta quảng cáo với những gì bạn nhận được thường khác nhau một trời một vực. Lindelof được rao bán như một Rio Ferdinand mới, nhưng cái mà M.U nhận được là một Chris Smalling mới. Về mặt trực quan, Lindelof tạo cho người ta cảm giác anh là một cầu thủ lộc ngộc, thiếu chắc chắn và không có sự lạnh lùng. Về mặt thể hiện, Lindelof trực tiếp mắc lỗi trong 3 bàn thua của Man United. Anh bị Giovani Dos Santos vượt qua ở bàn thua đầu tiên khi gặp LA Galaxy, không tranh chấp ở bàn thứ hai, và gây ra 1 quả penalty trong trận gặp Real Madrid. Cũng ở trận gặp Real, Lindelof còn có một quả đá luân lưu rất tệ, đưa bóng thẳng vào chân thủ môn đối phương.
Tân binh Lindelof (áo đỏ) liên tục mắc lỗi dẫn tới những bàn thua của M.U ở loạt trận giao hữu vừa qua
Tất nhiên, không ai đánh giá một đội bóng hay một cầu thủ qua các trận giao hữu (nếu thế thì Real Madrid phải là đội bóng tệ nhất thế giới). HLV Mourinho cũng thường nhấn mạnh rằng đối với ông, các trận giao hữu chỉ đơn giản là những “buổi tập đối kháng”, nên hẳn ông cũng không vội rút ra kết luận về Lindelof từ những gì đã chứng kiến. Ngoài ra, những tân binh luôn cần thời gian để hòa nhập; với một cầu thủ mới chuyển tới từ một nền bóng đá khác như Lindelof thì quá trình hòa nhập này thường khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nếu nói rằng màn trình diễn thảm họa của Lindelof trên đất Mỹ không dẫn tới hệ quả tiêu cực nào thì cũng không đúng. Niềm tin chính là thứ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Từ niềm tin của Mourinho và các đồng đội đối với Lindelof. Tới niềm tin của cầu thủ người Thụy Điển vào bản thân. Mourinho có thể sẽ không vội vàng sử dụng Lindelof trong giai đoạn đầu mùa, điều mà ông đã làm với Mkhitaryan ở mùa giải trước. Nó trái ngược hẳn với cách mà Mourinho sử dụng Eric Bailly, người đã hòa nhập rất nhanh và thể hiện rất tốt trong các trận giao hữu trước mùa trước.
Chuyến đi Mỹ thảm họa của Lindelof có thể khiến cho anh phải bắt đầu cuộc sống ở Old Trafford khó khăn hơn. Tuy nhiên, đấy không phải là vấn đề quá lớn. Trung vệ 23 tuổi này ký hợp đồng kéo dài tới 5 năm với Man United, nên chậm vài tháng cũng không sao. Nemanja Vidic cũng từng trải qua những tháng đầy đầy khó khăn trước khi trở thành một hòn đá tảng ở Man United. Vấn đề sẽ chỉ trở nên nghiêm trọng nếu Lindelof để ý chí bị lung lay bởi chút khó khăn ban đầu ấy. Khi đó, người ta sẽ nói, những trận đấu trên đất Mỹ đã gây ra vết nứt đầu tiên khiến “Người băng” tan vỡ…
Lindelof còn giữ được sự lạnh lùng? Mạnh mẽ, nhanh nhẹn và chính xác, Lindelof rất ít khi phải thực hiện những cú tắc bóng kiểu năm ăn năm thua. Trong 45 trận dưới màu áo Benfica ở mùa trước, anh chỉ phải nhận có 2 thẻ vàng, và không bị thẻ đỏ nào. Tuy nhiên, trong có mấy trận ít ỏi với M.U, anh đã nhiều lần để lộ vấn đề “chân chậm”, mà cú đá khiến M.U bị phạt penalty ở trận gặp Real là điển hình! |