Chiến thắng 1-0 trên sân Lithuania khép lại chiến dịch vòng loại của ĐT Anh. Với việc giành 26 điểm sau 10 lượt trận, hơn đội xếp sau Slovakia 8 điểm, HLV Gareth Southgate có quyền tự hào về các học trò của mình. Đặc biệt là khi nhớ lại thời điểm hơn 10 tháng trước khi ông ngồi vào ghế nóng chỉ với tư cách người chữa cháy cho Sam Allardyce.
Dù không phải là đội ghi nhiều bàn nhất nhưng Anh cùng Tây Ban Nha chia sẻ danh hiệu hàng thủ chắc chắn nhất vòng loại khu vực châu Âu với chỉ 3 bàn thua. Với một Tam sư mong manh đã thành truyền thống, con sư tử cứng cáp của Southgate quả thật khiến người hâm mộ tự tin hơn nhiều.
Nhưng chắc người Anh không đến World Cup 2018 chỉ để trở thành một trong những ứng viên vô địch thay vì làm nhà vô địch? Nếu muốn đứng đầu thế giới, màn trình diễn vừa qua là chưa đủ. Dưới đây là một vài tồn tại của ĐT Anh.
Sự nhàm chán
Cựu danh thủ Chris Waddle (thi đấu cho ĐT Anh giai đoạn 1985-1991) vẫn đau đau một nỗi lòng khó nói. Ông than thở khi nhìn lứa cầu thủ hiện nay: “Tôi đã tuyệt vọng vì chúng ta đã đi sai đường kể từ khi Glenn Hoddle bị sa thải. Chúng ta chẳng bao giờ vượt qua được mốc son EURO 1996, rồi giải Ngoại hạng đến và giết chết ĐTQG”.
“Tôi tuyệt vọng với các cầu thủ. Chẳng có chiều sâu nhưng lại thừa mứa tiền bạc. Các học viện như một trại lính, nó quá tổ chức, quá khuôn mẫu, lúc nào cũng là bóng đá 2 chạm. Hãy để các cầu thủ được đi bóng. Họ có thể chất trời phú. Họ không béo, lười hay sống xa hoa ngay từ đầu”.
Đến Alli cũng không còn giữ được sự sáng tạo của mình
Theo cách diễn đạt của Waddle, ĐT Anh giờ đá bóng theo kiểu người A chuyền cho người B cách đó 10m, rồi người B chuyền cho người C cách 10m, rồi người C… chuyền về thủ môn. Các cầu thủ bị quản thúc quá nhiều và rất sợ việc phá rào. Để rồi khi họ làm thế, sẽ lập tức có người gào lên: “Đang chạy đi đâu thế kia?”.
Không ai đổ lỗi cho Southgate, ông đơn thuần chỉ là một người cố sắp xếp các mảnh ghép. Nhưng các nhân tố trong tay ông quá giống nhau. Southgate muốn có thêm nhiều cầu thủ sáng tạo nhưng dường như người Anh đã ngừng sản xuất từ lâu. Ông có 11 cầu thủ về cơ bản là tương tự nhau.
Hai cánh của ĐT Anh đang chơi quá kỷ luật mà thiếu chất đột biến
Vấn đề ở chỗ những người quản lý ĐT Anh không ủng hộ trí tưởng tượng, thay vào đó là tư duy máy móc được gắn mác bóng đá hiện đại. Điều này có thể dễ dàng nhận ra trong các chiến thắng mới đây trước Malta, Slovakia, Slovenia và Lithuania. Đó đều là những đối thủ dưới cơ nhưng Tam sư luôn thể hiện một màu sắc nhàm chán thông qua cách tiếp cận khô khốc.
Như Martin Jol từng nói về Hà Lan, bóng đá Anh đang cố bắt chước những quốc gia khác và họ thì mạnh hơn hẳn theo cách của mình. Giả sử như Anh gặp Đức tại Nga vào năm sau, sẽ ra sao nếu thầy trò Southgate vẫn muốn tranh chấp khu giữa sân với dàn sao thượng hạng của đối thủ? Họ chắc chắn thất bại nếu không bứt phá được một nhân tố đột biến.
Thủ lĩnh
Henderson từng là một ứng viên nặng ký
Nhưng việc Southgate lưỡng lự đều có nguyên nhân của nó. Với Cahill và Kane, mỗi người đều có vấn đề riêng của mình. Cahill chơi ổn định, có kinh nghiệm làm đội trưởng của Chelsea và cũng là một trong những người cao tuổi nhất tại đội tuyển. Nhưng trung vệ của Chelsea không phải là cầu thủ của những trận đấu lớn. Muốn Cahill đạt đến đẳng cấp của Rio Ferdinand hay John Terry trước đây có lẽ là một đòi hỏi quá đáng.
Về phần Kane, tài năng của anh chắc chắn là xuất chúng. Nhưng trước Kane có nhiều đàn anh lớn tuổi và cũng dày dạn kinh nghiệm ăn cơm tuyển. Do đó, để một trung phong 24 tuổi đứng lên làm thủ lĩnh có thể gây ra nhiều mối bất hòa không đáng có trong phòng thay đồ. Cứ thế, việc chọn đội trưởng cho ĐT Anh luôn đi vào bế tắc. Cho đến ngày sang Nga vẫn còn rất nhiều thời gian để Southgate suy tính thấu đáo.
Phụ thuộc Harry Kane
Harry Kane, Harry Kane, Harry Kane, đi đâu cũng là Harry Kane. Người Anh đang sống dựa vào hơi thở của tiền đạo Tottenham. Dù xuất phát khá chậm ở chiến dịch vòng loại nhưng Kane cũng đã có được 5 bàn thắng. Đáng chú ý, toàn bộ các pha lập công này được thực hiện trong 5 trận gần nhất.
Lúc Kane chưa trở lại thì đã đành, khi anh đủ sức thi đấu, người ta lập tức phụ thuộc vào anh. Tại sao? Vì Kane quá giỏi, quá toàn diện. Giống như Leo Messi tại Argentina, Cristiano Ronaldo tại Bồ Đào Nha hay Robert Lewandowski ở Ba Lan.
Kane là nguồn sống của người Anh
Đương nhiên sự lệ thuộc này có 2 mặt. Với những người lạc quan, ĐT Anh dường như đã tìm ra một “Alan Shearer thứ hai”. Nhưng ở chiều ngược lại, một Tam sư vốn tù túng lại chỉ chăm chăm vào một ngòi nổ duy nhất, điều này là vô cùng tai hại ở những sân chơi đỉnh cao như World Cup.
Đáng buồn thay, Kane ghi được 5 bàn – chẳng đáng là bao so với thành tích của Lewandowski (16 bàn) hay Ronaldo (15) nhưng vẫn là chân sút xuất sắc nhất vòng loại World Cup 2018 của ĐT Anh. Những người xếp sau Kane như Adam Lallana hay Daniel Sturridge chỉ ghi được 2 bàn.
Nhìn chung, người Anh không phụ thuộc Kane… không được. Và cái vòng lặp không lối thoát này sẽ còn kéo dài đến World Cup 2018, thậm chí sau cả đại hội tại Nga.